Tại sao đàn ông mê cái ‘máy thời gian’?

“Máy thời gian” ở đây là chiếc đồng hồ. Hôm nọ, nhân một dịp tán gẫu với bạn bè trên bàn cà phê, có bạn hỏi tại sao trong thời đại điện thoại thông minh và những đồng hồ thông minh (như Apple Watch) mà bọn đàn ông vẫn ‘trung thành’ với cái đồng hồ cơ học? Cái note này muốn trả lời câu hỏi đó. Tôi nghĩ đến 4 lí do:
1. Phát biểu cá nhân
Mỗi chúng ta có một cá tánh, người thích thể thao, người hoài cổ, kẻ thích sự trang trọng. Các vật dụng họ dùng có khi (không phải là qui luật) là một cách biểu lộ cá tánh của họ. Một chiếc xe thể thao cũng có thể nói lên cá tánh người năng động, một chiếc ‘xe con rùa’ nói lên cá tánh của người hoài cổ và mến một cái đẹp.
Đồng hồ cũng thế, nó cũng phản ảnh cá tánh của người đeo. Chẳng hạn như người đeo đồng hồ loại IWC hay TAG Heuer có lẽ nói lên đó là người đi lại nhiều và thể thao. Người trung thành với Panerai thì có lẽ là người thích những nét đẹp cổ điển, hoài cổ và bảo thủ. So với chiếc xe nó nói lên cá tánh như một cách phô trương, còn đồng hồ thì phản ảnh cá tánh một cách tinh tế hơn là chiếc xe.
2. Ngưỡng mộ một kì quan cơ học
Những đồng hồ cơ học (không phải loại đồng hồ thời trang chạy bin hay quartz) không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, mà còn phản ảnh một thành tựu của vi cơ học kì diệu. Phía dưới mặt kính của cái đồng hồ là vài trăm cơ phận rất nhỏ và rất tinh vi được các nghệ nhân kì công lắp ráp.
Những vi cơ phận đó phối hợp một cách nhịp nhàng để nói cho chúng ta biết thời giờ, để đo thời lượng một cách chính xác! Nhìn vào cái đồng hồ cơ chúng ta không chỉ thấy giờ hay phút, mà chúng ta nhìn vào một kì quang được sáng chế bởi sự khéo léo và tinh xảo của các nghệ nhân.
3. Người bạn đời
Đối với phụ nữ, cái túi xách là một người bạn thân thiết hàng ngày, do đó họ đi đâu cũng có cái túi xách, không lớn thì nhỏ. Tương tự, đồng hồ là một người bạn thân thiết của giới đàn ông.
Lần đầu tiên đeo cái đồng hồ, có lẽ đa số các bạn cảm thấy là lạ, nhưng một khi đã làm quen với nó thì lại thấy rất gắn bó. Đôi khi đi ra ngoài mà quên đeo cái đồng hồ mình cảm thấy như thiếu thiếu cái gì và có cảm giác như tay của mình bị … cởi truồng. Do đó, cái đồng hồ nó chất chứa tình cảm của một người bạn đời.
4. Vật gia bảo
Có lẽ đây là một trong những lí do mà đàn ông thích đồng hồ. Một cái điện thoại thông minh và đồng hồ thông minh chỉ tồn tại vài năm và sau đó chức năng của nó không còn như trước nữa. Nhưng một chiếc đồng hồ có phẩm chất cao, dù chức năng chỉ là giữ giờ, nhưng có ‘sống’ qua nhiều thế hệ, và do đó nó thường được chuyền tay từ đời này sang đời khác.
Người nghiêm chỉnh với đồng hồ thường nghĩ đến tương lai, đến con cháu mình, và cái đồng hồ là một vật làm cho con cháu nhớ đến khi mình không còn trên dương thế. Do đó, đồng hồ là một vật gia bảo rất lí tưởng vậy.
Tiêu chí cho một đồng hồ lí tưởng
Một số bạn hỏi tôi tiêu chí cho một cái đồng hồ lí tưởng là gì. Phải nói ngay rằng tôi không phải là chuyên gia về đồng hồ; tôi chỉ là một người mê cái máy thời gian thôi. Tôi nghĩ tiêu chí cho một cái máy thời gian lí tưởng tuỳ thuộc vào cảm nhận cá nhân, chớ không thể nào có một tiêu chí chung cho mọi người được. Riêng tôi thì chọn cái máy thời gian dựa vào 4 tiêu chí:
• movement phải tốt và bền;
• lên dây thủ công (manual winding);
• kích thước chừng 36-42 mm; và
• linh hoạt, thích hợp trong mọi tình huống.
Tôi giải thích chi tiết về 4 tiêu chí đó như sau:
 1. Movement
Mỗi đồng hồ có một hệ thống gọi là “movement” (có khi còn gọi là “caliber”), có thể hiểu nôm na là bộ máy chuyển động. Bộ máy này giống như trái tim của con người vậy, vì nó đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ giờ chính xác. Movement có nhiều cơ phận rất nhỏ và tất cả đều chuyển động, giúp cho đồng hồ chạy đúng giờ.
Có nhiều loại movement, từ loại có chất lượng thấp đến cao, và do đó, chất lượng của movement nó xác định cái giá của chiếc đồng hồ. Nhiều bạn hỏi tại sao đồng hồ cũng một hiệu, một model, mà cái này đắt tiền hơn cái kia rất nhiều, thì câu trả lời là do cái movement. Chẳng hạn như đằng sau các đồng hồ hiệu Seiko có rất nhiều movement do họ sản xuất, và giá đồng hồ tuỳ thuộc vào loại movement. Seiko có máy chuyển động 6R15 được xem là ‘huyền thoại’ vì độ bền và chính xác. Tuy movement 6R15 được xem là rất có giá, nhưng dòng đồng hồ “Seiko 5” có khi dùng 7S26 được xem là rất bền, còn loại đồng hồ Grand Seiko với movement 9R86 có giá lên đến hơn 15000 USD.
Đồng hồ Omega dòng Speedmaster thì trước đây dùng moverment 321 (được xem là là ‘huyền thoại’ và được dân sưu tầm đồng hồ rất thích), nhưng sau này thì họ chuyển sang dùng movement 1861 hay 3861. Riêng Rolex dòng Submariner thì dùng khá nhiều movement (lên đến 20) theo thời gian, và mỗi movement có một giá riêng, nhưng tôi thấy tất cả movement của Rolex đều rất bền.
 2. Lên dây (manual winding)
Đồng hồ có thể chia thành 3 nhóm: nhóm tự động (automatic hay self-winding), nhóm thủ công (manual winding) và nhóm chạy bằng bin hay quartz. Mỗi người có một sở thích, nhưng tôi thì chỉ thích loại đồng hồ tự động và loại lên giây thủ công.
Thời còn trẻ, tôi có dùng đồng hồ chạy bin/quartz, vì nó nhẹ nhàng và mình không ‘can thiệp’ gì nhiều, nhưng phiền một chút là sau vài năm phải thay bin. Thời trung niên thì thích dùng loại tự động, vì nó giúp mình nhìn ngưỡng mộ sự kì diệu phía dưới mặt cái đồng hồ. Dĩ nhiên, đồng hồ tự động không thay bin, và đó là một lợi thế đáng kể. Nhiều người nói rằng họ thích nhứt là mỗi buổi sáng, nhấc cái đồng hồ lên và chỉ cần lắc vài cái là kim đồng hồ bắt đầu khởi động. Kì diệu!
Nhưng sau vài thập niên làm bạn với các đồng hồ tự động, tôi chuyển sang thích đồng hồ lên dây thủ công hơn. Đây là loại đồng hồ mà người đeo phải lên dây cót mỗi 24 hay 48 giờ, vì nó không tự động. Tại sao tôi thích loại đồng hồ vừa xưa, vừa phiền toái này? Tại vì tôi muốn sờ vào cái đồng hồ mỗi ngày, tôi muốn ‘tương tác’ với người bạn này thường xuyên. Tôi có thói quen cứ mỗi 2 giờ (thay vì 24 hay 48 giờ) tôi lên dây đồng hồ, và mỗi lần xoay cái crown của đồng hồ tôi có cảm giác như … dỗ dành. Đó chính là lí do tôi mê đồng hồ loại thủ công này. Ngày nay, đồng hồ loại này tuy hơi khó tìm, nhưng vẫn tìm được từ các hãng làm đồng hồ lâu đời.
 3. Kích thước chừng 36-42 mm
Đồng hồ có rất nhiều kích cỡ. Khi nói kích thước ở đây, tôi nói đến đường kính của đồng hồ (không tính cái lug). Các đồng hồ cổ điển (thập niên 1950s – 1970s) thường có kích thước chừng 34-36 mm. Những đồng hồ hiệu Rolex dòng Datejust thì đa số là 36 mm. Nhưng theo thời gian, kích thước đồng hồ có vẻ tăng, nhưng cũng chỉ dao động trong khoảng 39 mm đến 45 mm. Ví dụ như đồng hồ Rolex dòng Submariner thường có kích thước 40-41 mm, nhưng Seiko dòng Prospex Divers hay Breitling loại SuperOcean và Omega Seamaster Professional thường có kích thước lớn 44-45 mm.
Theo tôi thấy người Á châu chúng ta có cổ tay nhỏ hơn người Âu châu, nên tiêu chí kích thước của chúng ta khác với họ. (Tuy nhiên, tôi có vài bạn Úc có cổ tay lớn nhưng họ thích đồng hồ với kích thước nhỏ). Tôi xem qua rất nhiều cổ tay người Việt mình thường từ 15 đến 18 cm, và đi đến kết luận là kích thước thích hợp là từ 36 mm đến 40 mm, hay cao lắm là 42 cm. Với người có cổ tay chừng 19-20 cm như tôi thì có lẽ kích thước đồng hồ thích hợp là 40-42 mm.
4. Linh hoạt
Đối với người đam mê máy thời gian, mỗi loại đồng hồ thích hợp cho mỗi tình huống. Nắm bắt tâm lí này, các hãng sản xuất đồng hồ cho ra hàng loạt mô hình như “dress watch” (dùng trong các buổi dạ tiệc, đám cưới); “diver watch” (cho các thợ lặn và người thích đi biển); chrono hay “sport watch” (thích hợp cho công việc hàng ngày hay dân thích thể thao); “pilot watch” (thường đơn giản và có kích thước lớn cho giới phi công hay người hay bay); v.v.
Tuyệt đại đa số chúng ta không phải là dân “connoisseur đồng hồ”, chúng ta cũng không thuộc nhóm người dùng đồng hồ để làm phô trương sự giàu có của mình. Chúng ta chỉ là ‘tín đồ’ của máy thời gian, nên khó có thể có nhiều loại đồng hồ cho mỗi tình huống. Thành ra, tôi đặt ra tiêu chí cho riêng mình là đồng hồ lí tưởng phải là loại đồng hồ mà chúng ta có thể đeo trong mọi tình huống mà không để người ta hiểu lầm là phô trương. Đó là đồng hồ không quá lớn và tiện lợi, nhưng có thể nói lên cái sở thích hay gu thẩm mĩ của chúng ta.
 5. Dây đeo da
Có hai loại dây đeo chánh: kim loại và da. (Mới đây có thêm dây nilon). Trong nhóm kim loại, dây đeo có tên là gọi là ‘Bracelet’. Có rất nhiều bracelet, từ loại đơn giản đến loại … màu mè. Hãng đồng hồ Rolex thường có 3 loại bracelet chánh là President, Oyster và Jubillee, có thể nói là rất đẹp. Mỗi loại dây đeo này có giá giao động từ 1000 USD đến 10,000 USD, tuỳ vào chất liệu. Hai loại Oyster và Jubillee thì nổi tiếng đến nổi được nhiều hãng khác (kể cả Seiko) ‘nhái’ theo.
Tuy nhiên, các hãng khác cũng tung ra những dây đeo đặc thù như Mesh, Pearlmaster, Engineer, Milanese, v.v. Ngày xưa tôi cũng thích những dây đeo kim loại kiểu Oyster và Jubillee, vì nó chẳng những đẹp, mà còn rất thích hợp cho nam giới (loại Oyster). Mỗi cái mắc xích (link) của dây Oyster có thể xem như là một biểu hiện của sự vững chãi và một phát biểu mạnh mẽ. Còn dây đeo loại Jubilee thì có hiệu ứng thị giác reo vui và nhạc tính, rất độc đáo.
Dây đeo da hay được gọi là ‘Strap’. Cũng có nhiều loại strap, từ Simple, Rally, Bund, Pilot đến loại mới nhứt là NATO. Gần đây còn xuất hiện một loại dây đeo đồng hồ có tên là “Nato strap” được khá nhiều người ưa chuộng. Nhìn chung, dây đeo da thường rẻ hơn nhiều (chỉ chừng 100 – 800 USD) so dây đeo kim loại.
Sau nhiều thử nghiệm với các loại dây đeo, tôi đi đến sở thích lâu dài là dây đeo da đơn giản. Tại sao? Tại vì tôi dây da nó thân thiện hơn với da chúng ta. Tại vì sự tích hợp giữa cái sáng ngời của của kim loại đồng hồ và cái đục của màu da làm cho sự tương phản nổi bật lên. Ngoài ra, nếu dây da màu nâu (hay màu đen) được may bằng chỉ màu trắng thì sự tương phản càng cao.
Rất nhiều đồng hồ đạt 4 tiêu chí trên vì hầu như hãng đồng hồ nào cũng có ít nhứt là một dòng để đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Chẳng hạn như ‘tín đồ’ của Omega thì dòng Speedmaster Professional (movement 1861, lên dây thủ công, 42 mm) có thể đeo bất cứ dịp nào. Dòng Omega Speedmaster Automatic (kích thức 39-40 mm) cũng rất hợp cho người Á châu với cổ tay tương đối nhỏ.
Nếu là ‘fan’ của Rolex thì có dòng Submariner và Datejust đều là loại lí tưởng. Các hãng nổi tiếng khác như Breitling, IWC, Panerai, Hublot, Chopard, Tag Heuer, Longines, Audermars Piguet, Jaeger-LeCoultre, Patek Philippe, Seiko, v.v. đều có những đồng hồ đáp ứng 4 tiêu chí trên.
Có lẽ các bạn sẽ nghĩ đồng hồ đạt được 4 tiêu chí đó rất mắc tiền. Không phải. Rất nhiều đồng hồ giá ‘bình dân’ vẫn có thể đạt 3-4 tiêu chí về movement bền, tự động hay lên dây, kích thước 36-42, và tính linh hoạt. Một trong những chiếc đồng hồ đạt 4 tiêu chí đó và tôi rất thích là “Seiko 5” và Seiko dòng Alpinist.
Đồng hồ Seiko dòng Alpinist có movement ‘huyền thoại’ 6R15, 23 jewels, tự động, kích thước 38 mm, có ngày, và có thể đeo trong mọi tình huống, kể cả lặn dưới biển. Dòng Seiko Alpinist và Seiko 5 rất rất bền. Tôi rất ‘mê’ loại này, nhứt là mặt đồng hồ màu xanh lá cây, rất độc đáo (khó ‘đụng hàng’). Dòng Seiko Alpinist được giới thiệu lần đầu vào thập niên 1970s và ngay sau đó trở thành lịch sử vì có nhiều người tìm mua.
Thật ra, Seiko là hãng làm đồng hồ rất uy tín và chất lượng mà ít người biết đến. Người mê máy thời gian hay dân ‘connoisseur’ mới biết đến Seiko, còn người mê đồng hồ như là vật thời trang hay phô trương thì không biết đến Seiko. Seiko là một hãng làm đồng hồ lâu đời (hơn 100 năm) của Nhật, và có những đồng hồ rất rất cao về phẩm chất. Đồng hồ Grand Seiko thật ra giá rẻ hơn đồng hồ Thuỵ Sĩ (như Rolex chẳng hạn) nhưng về phẩm chất thì tôi đánh giá là cao hơn Rolex.
Thật ra, ở bất cứ khía cạnh nào (movement, độ bền, độ chính xác, thiết kế thẩm mĩ, mức độ tinh tế) Grand Seiko đều ‘ăn đứt’ các đồng hồ Âu châu đắt tiền. Có người ví von Grand Seiko như là Lexus của hãng Toyota, và tôi thấy nhận xét này rất đúng. Grand Seiko là một tác phẩm khoa học và nghệ thuật, thuộc vào hạng ‘fine art’. Nhìn cái Grand Seiko, các bạn thấy sự tinh tế, trang nghiêm, và nét đẹp không có chỗ nào chê được. Tôi không bao giờ tiếc những lời khen tặng dành cho Grand Seiko, vì nó quả thật là số 1 trong các máy thời gian.
Tóm lại, nhân một câu hỏi tại sao bọn mày râu thời nay mà còn mê đồng hồ cơ, tôi muốn cung cấp một vài trả lời. Họ thích đồng hồ cổ điển (không phải loại ‘đồng hồ thông minh’) là vì đó là một người bạn đời, một vật gia bảo cho thế hệ mai sai; vì họ muốn chiêm ngưỡng một công trình vi cơ học kì diệu; và vì đồng hồ là một phát biểu cá nhân. Với tôi, một đồng hồ hay một ‘người bạn’ lí tưởng phải hội đủ 4 điều kiện là cái bộ máy chuyển động phải thật tốt và bền; phải là loại lên dây mỗi ngày (hoặc tự động cũng tạm được), kích thước chừng 36-42 mm, dây đeo làm bằng da, và nó có thể theo mình trong mọi dịp.

Đồng hồ Rolex của vua Bảo Đại trị giá 5,060,427 USD. Dĩ nhiên cái đồng hồ tự nó không có cái giá đó, nhưng vì nó là vật của vua đeo, nên nó mắc theo cái danh của vị vua An Nam. Đồng hồ này có tên là “Bao Dai”.

Vua Bảo Đại mua cái đồng hồ này vào năm 1954 ở Geneva nhân dịp ông đi dự hội nghị. Giá lúc đó chỉ chừng 10,000 USD ngày nay, tức khá ‘khiêm tốn.’

Chuyện kể rằng ông bước vào hãng Rolex và hỏi họ có đồng hồ nào tốt nhứt không, người đại diện Rolex trả lời rằng đồng hồ tốt nhứt là đồng hồ chưa làm! Vua Bảo Đại bèn nói đại khái ‘vậy thì ông làm một cái cho tôi’. Và, cái đồng hồ Bao Dai được sản xuất chỉ cho ông (only one), với những đặc điểm không có trong các dòng đồng hồ khác. Các bạn chú ý 5 viên kim cương nằm ở các giờ chẵn nhưng số lẻ, cái crown logo phải thấp hơn bình thường, và đặc biệt là cái mặt trăng (moon-phase) rất đặc thù. Tóm lại, đây là một đồng hồ có 1 không 2 trên thế giới.

Hình các đồng hồ nổi tiếng, từ trái sang phải:

1. Cái movement ‘huyền thoại’ của Seiko 6R15;

2. Seiko Alpinist nổi tiếng từ thập niên 1970 cho đến nay;

3. Seiko 5 được người Á châu ưa chuộng;

4. Breitling cũng rất nổi tiếng vì đẹp và bền;

5. Rolex dòng Datejust 36 mm với dây đeo Jubilee cũng thuộc vào nhóm ‘huyền thoại’;

6. Rolex dòng Submariner cũng được rất nhiều ‘tín đồ’ máy thời gian ưa thích;

7. Omega dòng Seamaster rất phổ biến trong giới thể thao và thợ lặn;

8. Omega dòng Speedmaster (còn gọi là “Moonwatch”) được xem là một ‘icon’ trong các ‘máy thời gian’, lên dây tay, và được NASA phê chuẩn và trang bị cho các phi hành gia;

9. Seiko dòng Grand Seiko có chất lượng bằng hay cao hơn các đồng hồ mắc tiền nhứt của Âu châu. Grand Seiko được xem là Lexus của các ‘máy thời gian’ nhưng ít người biết đến

Chúc các bạn có một cái máy thời gian lí tưởng!

Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo ở ĐỒNG HỒ ĐẸP để được giá tốt hơn ở : https://donghodep.org/

ĐỒNG HỒ ĐẸP – CỬA HÀNG CHUYÊN BÁN ĐỒNG HỒ LIKE AUTH TẠI HỒ CHÍ MINH
Website : https://donghodep.org/
Điện thoại: 0919.9999.98
Email: nhatminhxs@gmail.com
Địa chỉ : 595/27 CMT8 P.15 Q.10 TP. HCM

Bài viết liên quan